Tag Archives: CưM’gar

Trần Lê Mai Sương, Tư Duy Tích Cực Ươm Mầm Cho Một Nhân Cách Lớn Cư Mgar

Tiêu chuẩn

 

Hoa Xuyến Chi

Sống trong cuộc sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi.

 

Trần Lê Mai Sương,  Tư Duy Tích Cực Ươm Mầm Cho Một Nhân Cách Lớn Cư Mgar

Bạn Trẻ Cư M’gar Cần Có Tư Duy Tích Cực Như Thế,

Dù bài viết con nằm trong khuôn khổ của một bài văn trong trường học, tuy nhiên, sau đó là tư duy và cách sống tích của của một người trẻ, một cách sống ươm mầm cho nhân cách lớn.

Có  bao nhiêu bạn trẻ trên Cư M’gar sẽ có cách nhìn tích cực về cuộc sống và mọi người xung quanh như vậy?

Mong Sương sẽ là  một nhân cách lớn của Cư M’gar sau này.

 

Dhung Café,
Quảng Hiệp, Cư M’gar

=======

 

Đề bài: Đồng cảm và sẻ chia đang là nếp sống đẹp trong xã hội hiện nay. Em hãy nêu cảm nhận của mình về nếp sống tốt đẹp đó.

 Đã bao giờ bạn dừng lại và cần thận bỏ một ít tiền vào ca của một người ăn xin ven đường? Đã bao giờ bạn thấy thương những đứa bé bị nhiễm chất độc da cam, thay vì ghê sợ chúng? Và bạn đã từng vui vẻ khi nhường chiếc ghế đang ngồi trên xe buýt của mình cho một phụ nữ đang mang thai chưa?

Nếu bạn trả lời :”Tôi có!” – thì xin chúc mừng bạn đã biết đồng cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của người khác. Nhưng cũng đừng ngạc nhiên, khi cũng có rất nhiều người khác nói :”Chưa từng…!!”. Thử nghỉ xem trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống, khi con người đặt nặng vật chất lên trên tinh thần, người ta còn bận toan tính thiệt hơn, còn phải chạy đua với thời gian, gồng gánh trên vai “cơm-áo-gạo-tiền” làm họ thấy không có gì quan trọng bằng cuộc sống của mình, họ không đủ sức để nghĩ đến người khác.

Vô hình dung, họ đang dần mất đi những giá trị đích thực của cuộc sống, mất đi cái nếp sống đồng cảm và sẻ chia đang rất cần trong xã hội hiện nay.

 Đồng cảm là gì? – Đồng cảm là quên đi bản thân trong niềm vui và nỗi buồn của người khác, nhiều đến mức bạn thực sự thấy rằng niềm vui hay nỗi buồn mà người khác đang trải qua cũng chính là niềm vui hay nỗi buồn của chính bạn.

Đồng cảm cũng không phải là điều gì đó xa vời, mà thực ra rất gần gũi đến mức ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. Đồng cảm xuất phát từ những cử chỉ, hành động đơn giản mà đôi khi chúng ta không nhận ra: đó là những giọt nước mắt cảm thông,là những cái xiết tay chia sẻ, là những nụ cười khích lệ… đơn giản vậy mà cũng là quá khó với một số người?!

Có bao giờ trong cuộc sống đủ đầy của mình, bạn thấy tiếc khi bỏ đi chiếc áo chỉ hơi lỗi mốt, mà nghĩ đến,với chiếc áo ấy một người nghèo khó có thể vượt qua cả mùa đông.Có bao giờ, bạn thật sự vui, chúc mừng bạn mình đạt thành tích cao trong học tập, hay chỉ biết ghen tị?!

Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu ta biết đau với nỗi đau của người khác, vui với niềm hạnh phúc của người khác.Chỉ một hành động nhỏ, kịp thời, có lúc bạn đã cứu được một tâm hồn đang trên bờ vực của tuyệt vọng.Cho người ấy thêm niềm tin vào cuộc sống.Sẽ không khó khăn nếu chúng ta thật lòng cho đi yêu thương. Bởi điều đó rất có ý nghĩa với người được nhận sự đồng cảm.Còn người cho yêu thương thì sao? Họ sẽ trưởng thành hơn và tâm hồn của họ sẽ thêm giàu có. Thật trân trọng biết bao khi những người biết cho đi mà không cần nhận lại.

Đồng cảm sẽ có ý nghĩa hơn nếu người ta còn biết sẻ chia, đem suy nghĩ của mình chuyển thành hành động. Có người nói: “ Tôi không đủ để chia sẻ với người khác!”. Nhưng thưa: “Không!!”- cái mà bạn có rất nhiều, nhiều hơn cả vật chất của bạn, đó chính là tấm lòng. Có là nhiều không khi bạn chia sẻ chiếc bánh mì trên tay mình cho một em bé gầy nhom đang rất đói?! Có là nhiều không khi bạn dành chút ít thời gian để lắng nghe chia sẻ với người bạn của mình?! Và cũng thật có ích, nếu bạn cùng với những người bạn cùng lớp chia sẻ những tập vở, quần áo cũ cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ai trong cuộc sống này cũng cần được sẻ chia, với người đang vui vẻ, hạnh phúc thì sự chia sẻ của chúng ta là những lời chúc chia vui cùng họ.

Vậy chia sẻ là gì? – Chia sẻ là sự cho đi, quan tâm hay giúp đỡ người khác về vật chất và tinh thần bằng tất cả khả năng của mình, giúp họ vượt qua khó khăn hoạn nạn. Chia sẻ cũng là một hành động đơn giản bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Đừng nghĩ rằng chỉ có những điều to tát mới đáng chia sẻ, nếu nghĩ như vậy thì chẳng bao giờ bạn chia sẻ được cho ai cái gì.

 Tưởng tượng xem, nếu trong cuộc sống này đồng cảm và sẻ chia không tồn tại thì thế giới này sẽ ra sao đây? Không có đồng cảm chia sẻ, một người cán bộ nhà nước không thể hiểu những khó khăn của nhân dân, dẫn đến xa rời dân, tắc trách trong công việc. Một người thầy giáo không hiểu hoàn cảnh của học trò, chỉ biết dạy hết giờ rồi ra về, làm sao giúp đỡ những học trò yếu kém vương lên, những học trò nghèo có động lực vươn lên trong học tập. Một người cha không đồng cảm với hoàn cảnh con mình thì làm sao nuôi dạy cho tốt?!

Thực tế hiện nay, xã hội rất quan tâm đến những người nghèo, những người bệnh tật, khuyết tật…cũng có rất nhiều hoạt động giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự cảm thông chia sẻ, thắt chặt tình người. Qua các chương trình “Vì người nghèo”, “Thắp sáng ước mơ”, “Trái tim cho em”, “Ngôi nhà mơ ước”….đã giep vào tâm hồn những người, những gia đình được giúp đỡ một hi vọng sống mãnh liệt. Chắc bạn chưa biết, bà Huỳnh Thị Phấn, ngoài 70 tuổi, bị ung thư tử cung, hằng ngày bà phải vất vả đi bán vé số nuôi thằng cháu mới 8 tuổi bị nhiễm HIV, mồ côi cả bố mẹ (đều chết vì AIDS).Hai bà cháu đang sống với thu nhập 15000 đồng/ngày tại một ngôi nhà tình nghĩa ở khóm 10, ấp Long Thị C, huyện đảo Tân Châu (An Giang). Bà bảo, bà sẽ không thiếu ăn nếu không có những ngày phải bỏ bán vé số vì cơ thể đau đớn. Bà mong, bà không bị ốm, bà sẽ có đủ 300000 đồng/tháng lo cho hai bà cháu. Thành viên của nguoitoicuumang tình nguyện giúp hai bà cháu 150000 đồng/tháng. Rồi một phòng khám ở địa phương cũng hỗ trợ thêm mỗi tháng 10kg gạo. Vậy là từ đấy hai bà cháu nghèo không phải lo “nay no mai đói” nữa.

Đó chính là nghĩa cử cao đẹp của những con người có tấm lòng bao dung nhân ái đáng được hoan nghênh. Nhưng nể phục hơn nữa là ý tưởng thành lập trang web http://www.nguoitoicuumang.com  của ba chàng trai trẻ có tấm lòng đồng cảm với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc làm tốt đẹp ấy không chỉ gói gọn trong một nhóm nhỏ những người có tấm lòng nhân ái, mà đã và đang kêu gọi được thêm nhiều người khác cùng nhau chung sức giúp đỡ những người nghèo khó.

Hành động đồng cảm và sẻ chia không chỉ giới hạn trong không gian, thời gian, một miền quê mà còn là vòng tay nối kết cả thế giới. Cách đây 1 năm, vào ngày 12/1 trận động đất kinh hoàng ở Haiti làm cả thế giới chấn động vì số người chết quá cao và vì Haiti là một đất nước quá nghèo. Chỉ trong nháy mắt, hơn 230.000 người thiệt mạng và mất tích. Mạnh hơn Haiti 1000 lần, trận động đất 27/2 ở Chile đã gây ra sự tàn phá rất lớn, là một trong những trận động đất dữ dội nhất trong lịch sử thế giới khiến gần 1000 người chết và mất tích. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, các quốc gia các tổ chức trên thế giới đã có những hành động thiết thực, viện trợ kịp thời hay tình nguyện xóa nợ đọng của các quốc gia ấy để Haiti và Chile sớm vượt qua khó khăn.

Các bạn ạ! Mỗi người, mỗi ngày, hãy dành một khoảng thời gian, để dừng lại bên đời một chút dành cho nhau những chia sẻ ngọt ngào. Đồng cảm và sẻ chia đã và đang là nếp sống tốt đẹp rất cần được gìn giữ. Có đồng cảm và sẻ chia ta sẻ không phải hổ thẹn khi được con là CON NGƯỜI. Nếp sống tốt đẹp đó không chỉ sưởi ẩm lòng người khác mà còn đem lại hạnh phúc cho chính mình, mở ra một hy vọng cho một tương lai tươi sáng cho quê hương, đất nước, cho toàn nhân loại.

 “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi….”
  Trịnh Công Sơn

 

Trần Lê Mai Sương.
Học sinh lớp 11a2, trường THPT CưMgar.

Nguồn. Trường PTTH Cư M’gar

ĐỒI CƯ M’GAR, Tạp Bút

Tiêu chuẩn
Đồi Cư M'gar

Đồi Cư M'gar nhìn từ hướng xã Quảng Hiệp. D'hung Café, Cư M'gar


ĐỒI CƯ M’GAR

Tạp bút

Theo đồng bào người bản địa Êđê, Cư M’gar – Núi Hoa, là tên ngọn núi lửa đã tắt từ lâu, vết tích hiếm hoi của núi lửa trên vùng Tây Nguyên từ hàng nghìn năm trước. Qua năm tháng, dân địa phương dần quen với tên gọi -Đồi Cư M’gar.  Ngọn đồi nằm tại trung tâm huyện, cách trung thành phố Buôn Ma Thuột 20 km về hướng Đông Bắc, là địa danh trọng yếu, gắn liền với tâm thức, đời sống và lịch sử của người dân vùng đất trù phú Cư M’gar này.

Tư liệu khoa học về ngọn núi lửa này hầu như  không có. Có thể, do ngọn núi lửa nhỏ, đã ngưng hoạt động từ lâu, lại nằm heo hút ở vùng sâu.  Những hình ảnh giá trị của ngọn đồi Cư M’gar xưa phổ biến nhất trên phương tiện thông tin đại chúng  xuất phát từ tư liệu của các cựu binh Mỹ. 10 hình này hầu hết mang tính chính trị, phản ánh gian đoạn lịch sử ngọn đồi.

Cũng như các vùng khác của cao nguyên Đak Lak, Cư Mg’ar mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, tuy nhiên do sự nâng lên của địa hình, khu vực này có đặc điểm đặc trưng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, với nền nhiệt tương đối cao đều, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn; mùa mưa, nắng rõ rệt trong năm.

Trong chiến tranh chống Mỹ, miệng núi lửa Cư Mgar là một căn cứ của địch rất mạnh. Do lợi thế về độ cao, khi nắm giữ  vị trí then chốt này,  có thể  quan sát được một vùng rộng lớn xuanh quanh đồi. Khi Mỹ xây dựng căn cứ tại đỉnh, pháo từ trên đồi bắn xuống rừng cao su làm cho lực lượng của ta thiệt hại nhiều. Để triệt phá, chiếm lĩnh căn cứ trên, quân và dân ta phải nằm trong hầm suất cả tuần để chuẩn bị, tạo tình thế đánh úp bất ngờ . Vào thời gian trên, khu vực Cư M’gar cũng nổi tiếng với đội du kích mật danh – Huyện H5.

Giai đoạn 1970 – 1980, xung quanh khu vực đồi Cư M’gar có nhiều buôn làng heo hút của người Eđê nép bên  những mảng rừng rậm rạp. Ngày đó, việc đi lại giữa nhưng buôn làng rất khó khăn, nhất là vào những ngày mưa. Đôi khi, trên đường, người ta phải dừng lại, núp vào những bụi cây vì phía trước có đàn voi băng ngang qua. Trăn và rắn nhiều vô số, thích nhất là những đàn khỉ rừng ồn ào, đôi khi cũng im lặng tinh quái.
Đêm trăng, vài lần tôi đã nghe sói tru từng hồi trong rừng già vọng về khi cùng các anh chị, hàng xóm cầm đuốc ra Lâm Trường cầu III xem phim do đội chiếu phim lưu động thực hiện.

Có một thời, chân đồi Cư M’gar là trường bắn những tội phạm chính trị, Phulro. Hiển nhiên, trong liên tưởng của những đứa trẻ con ngày đó, ngọn đồi gợi lên việc chết chóc, mộ và các cây thánh giá to, chỉa thẳng lên trời.

Những năm 1990, khi mật độ di dân từ các vùng khách đến tăng nhanh, tốc độ khai hoang thành lập nông trường, rẫy để trồng hoa màu ngoài tầm kiểm soát, rừng bị tàn phá rồi xoá sạch. Vài con suối gần đó cũng trơ trọi, cạn kiệt nước vào mùa khô, nhưng lại dâng cao, đục ngầu vào mùa mưa dầm. Dấu vết rừng già giờ còn là vài gốc cây trong những nghĩa địa, những bức hình cũ, hoài niệm. Nhìn lại một chặng đường của Cư M’gar từ những năm sau giải phóng mới thấy mức độ tàn phá thiên nhiên kinh khủng của con người.

Đi vào trung tâm huyện Cư M’gar từ các phía Buôn Ma Thuột, buôn Cour, Mê Val, Ea Nan.. đều có thể nhìn thấy đồi Cư M’gar.  Vào vụ mùa, màu xanh của hoa màu phủ kín đồi. Có những buổi chiều, nhất là mùa đông, từ xa, sương khói giăng ngang đồi, ngọn núi lửa cũ nhìn cô độc, yên bình nhưng vẫn giữ thế vững chãi.

Qua năm tháng, đồi Cư M’gar nằm chơ vơ với mưa nắng, cùng thăng trầm với cuộc sống vùng đất bazan này. Chắc rằng, có nhiều người sinh sống tại đây không hiểu ý nghĩa Cư M’gar, không rõ cái tên bắt đầu với loài hoa gì trên núi, song, cái tên và hình dáng cao cao của ngọn đồi đã trở thành một điều thân thuộc, thiêng liêng trong cuộc sống cá nhân, gia đình, như một tâm điểm hướng về từ tận sâu trong lòng, tâm thức.

Đồi Cư M’gar, Đồi Hoa.


D’hung Café
Quảng Hiệp, Cư M’gar

Đồi Cư M'gar Năm 1970

This slideshow requires JavaScript.

Mùa Cà Phê 2011, Năng suất cà phê xã Quảng Hiệp đạt 4 tấn/ha

Tiêu chuẩn
Rẫy Cà Phê, Cư M'gar, Đak Lak. Dhung Cafe, Cư Mgar

Rẫy Cà Phê, Cư M'gar, Đak Lak. Dhung Cafe, Cư Mgar

 

Năng suất cà phê xã Quảng Hiệp đạt 4 tấn/ha
28/10/2011

Quảng Hiệp hiện có 1.720ha cà phê, trong đó có 1.650ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Nhờ chăm sóc tốt, chủ động nguồn nước tưới, tiêu nên toàn bộ diện tích cà phê trên địa bàn đều phát triển tốt. Đến thời điểm hiện nay nhân dân trên địa bàn xã đang bước vào vụ thu hoạch cà phê, năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha. Tuy nhiên khi bước vào vụ thu hoạch cà phê thi nhiều người trồng cà phê ở xã Quảng hiệp đang phải đối mặt với việc bị trộm cà phê. Lãnh đạo xã Quảng hiệp cho biết: hầu hết các rẫy cà phê đều nằm xa khu dân cư, trong khi đó dân cư lại sống không tập trung nên rất khó tuần tra canh giữ. Cấp Uỷ Đảng, chính quyền đã chỉ đạo ban công an xã phối hợp với lực lượng tại chỗ tăng cường công tác tuần tra, canh giữ các vườn cà phê cho nhân dân trong mùa thu hoạch. Đồng thời xã đã chỉ đạo ban tự quản các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các tổ tự quản cà phê để bảo vệ vườn cà fê, vừa phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 

Công Phong
Nguồn. Cư M’gar, Đak Lak

Dhung Café, Quán Ở Thung Lũng

Tiêu chuẩn

Dhung Café,
Quảng Hiệp, Cư M’gar

D’hung Cafe nằm cuối con dốc thoai thoải nhà ông Nuôi, phía sau là vùng đầm trũng, Quảng Hiệp, Cưmgar, Đak Lak. D’hung Cafe tải đúng theo nghĩa của nó – Quán ở Thung Lũng.

D’hung là điểm cafe trọng tâm của buôn Dhung ( Buôn Thung), buôn Cua ( Buôn Chua) và các khu vực xunh quanh. Trên con đường nối Buôn Chua, Quảng Hiệp vào Buôn Gia Vầm, Easúp, Dhung Cafe là điểm dừng chân lý tưởng ở chặng đường xa.

Dhung Café, quán ở Thung Lũng

Dhung Café, cổng vào

Dhung Café và văn hoá Tây Nguyên. Ảnh Dhung Café

Dhung Café và văn hoá Tây Nguyên. Ảnh Dhung Café

Dhung Café, Quảng hiệp

Dhung Café, Quảng hiệp, Cư Mgar

Dhung Café, Café sáng, Quảng Hiệp

Dhung Café, Café sáng, Quảng Hiệp

Buôn Dhung

Dhung Cafe Cafe sáng Buôn Dhung

Dhung Café và các bạn trẻ

Dhung Cafe là nơi tụ họp của các bạn trẻ tại khu vực

Dhung Cafe

Dhung Café qua tranh của các bạn nhỏ

Dhung Cafe,
Quảng Hiệp, CưMgar

 

 

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Quảng Hiệp, Cư M’gar Đón Bằng Công Nhận Trường Chuẩn Quốc Gia

Tiêu chuẩn

Cô giáo và lớp I. Niên học 2007 - 2008, Ngô Gia Tự,

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Quảng Hiệp, Cư M’gar Đón Bằng Công Nhận Trường Chuẩn Quốc Gia

Sáng ngày 31 tháng 8 năm 2009, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi huyện Cư M’gar tổ chức lễ đón Bằng công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Tham dự có ông Phạm Văn Nhăm – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học- Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk, Ông Phạm Văn Trình – Bí thư huyện Ủy huyện Cư M’gar, Ông Lê Đức Thắng – Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M’gar, đại diện chính quyền địa phương xã Quảng Hiệp và đại diện các trường Tiểu học, Mầm non trong huyện Cư M’gar.

Bà Mông Thị Mậu hiệu trưởng nhà trường báo cáo quá trình xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, trong báo cáo nêu rõ: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có 4 điểm trường với diện tích 24 500m2  nằm trên địa bàn xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar. Trong năm học 2008-2009, trường có 1,080 học sinh, 56 cán bộ giáo viên – CNV, trong đó có 48 giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Trong những năm qua, nhà trường có truyền thống dạy tốt học tốt, đội ngũ giáo viên có tinh thần đoàn kết, có trách nhiệm, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Học sinh trong độ tuổi đi học được huy động ra lớp hàng năm đạt 100%, không có học sinh bỏ học. Năm năm qua trường liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến. Chi bộ nhà trường liên tục nhiều năm liền đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh, Công đoàn đạt Công đoàn cơ sở vững mạnh. Học sinh đạt giải cao trong phong trào thi đua của ngành giáo dục huyện, trong đó nổi bậc là phong trào“Vở sạch chữ đẹp”: năm 2007 đạt giải Nhất, năm 2008 đạt giải Ba, năm 2009 đạt giải Nhì cấp huyện.

Sau phần báo cáo quá trình phấn đấu xây dựng trường Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia của nhà trường, Ông Phạm Văn Nhăm, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học- Mầm non đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã trao Bằng công nhận trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi  huyện Cư M’gar đạt chuẩn quốc gia mức độ một cho đại diện Ban Giám hiệu nhà trường và chính quyền địa phương.

 

Nguyễn Văn Chiêu
Nguồn. Cư M’gar

Vào năm học mới 2008 - 2009, Ngô Gia Tự