Tag Archives: Lâm Đồng

Thương nhớ Tây Nguyên…

Tiêu chuẩn

Thị trấn Dran. Hạnhphuclangthang

 

Thương nhớ Tây Nguyên…
Nguyễn Thị Việt Hà
Lamdong Online

Tôi thả bộ theo những con dốc thoai thoải, một chiếc xe khách vù qua, tôi cúi mặt xuống tránh những cơn lốc đỏ, khi ngẩng lên bỗng sững người: vạt nắng vàng chói bạt ngàn từ hoa như tràn từ vời vợi trời xanh xuống từ lúc nào và bất ngờ đến mức chỉ có thể reo lên “Ôi, dã quỳ… dã quỳ…”. Vạt nắng ấy vừa bung, ngân ngấn vàng chảy suốt từ đỉnh đồi đến chân dốc, tưởng chừng như vô tận.

Madaguil là thị trấn cửa ngõ của tỉnh Lâm Đồng tiếp giáp tỉnh Đồng Nai. Madaguil trầm lặng và cũ kĩ tới mức dầu có đi xa chừng vài năm mới trở lại cũng vẫn nhận ra vệt cỏ cũ dưới chân nhà thờ, khu chợ với người bán hàng quen mặt, một hàng quán treo rất nhiều phong lan luôn mở nhạc Trịnh vẫn nằm nguyên chốn cũ. Lần nào về thị trấn tôi cũng thăm cô dạy văn thời phổ thông, cô cười, nụ cười thơm như hoa lan, xoa tóc tôi: “Xứ Ma mấy ai tìm về, phố này bạc thếch bụi, nghèo nàn nhưng cái tình vẫn ấm như lòng bàn tay cô vậy…”.

Lâm Đồng là xứ sở của dã quỳ nhưng có tìm nát cả ngọn đồi xanh, dãy núi thẳm trùng điệp trước mắt của thị trấn Madaguil cũng không thấy được một gốc nhỏ dã quỳ. Thế nhưng chỉ cần rời Madaguil, vượt qua đèo chuối, đến Đạ Tẻn dã quỳ đã bắt đầu lấp ló khoe vùng lá xanh kiêu hãnh nâng đỡ những bông hoa vàng đến độ cô bạn nhà thơ của tôi khẳng định “Chẳng thể nào vàng hơn dã quỳ đâu”.

Lần đầu tiên tôi biết đến dã quỳ là khi đến thăm cậu tôi ở Ninh Thuận. Theo xe cậu đưa trái thanh long lên Đà Lạt, xe chầm chậm leo đèo, khi gió cuốn những cơn lốc đỏ nhuộm áo người đi đường tôi nhìn thấy hai bên đường hun hút thẳm lá xanh, màu xanh không thể lẫn với cây cỏ bạt ngàn Tây Nguyên kiên nhẫn chạy trước tầm mắt. Cậu bảo: “Cây dã quỳ đấy, cháu nhìn kĩ sẽ thấy nhu nhú nụ vàng. Vài hôm nữa dọc con đường này sẽ rực sắc vàng”. Đèo Ngoạn Mục gấp khúc, quanh co, bụi đỏ làm mờ kính xe nhưng vạt xanh ấy kiêu hãnh như thể gom hết cả bốn mùa, gom hết nắng gió Tây Nguyên để bừng lên sức sống.

Biển Hồ Pleiku. Nhuygialai

 

Tây Nguyên của tôi đây, mùa khô và những cơn lốc đỏ, những con đường nghiêng theo con dốc, ngôi nhà gỗ giữa bạt ngàn cây lá, phố nhỏ và cỏ lá vệ đường như cổ tích, những ngày nắng gắt, những ngày mưa rừng dữ dội, cỏ may vệ đường găm tím vạt áo… Thị trấn Dran chiều vắng lặng như một bức tranh màu trầm. Khói từ những gian bếp là là bay sang những bụi hoa sao nhái sát vách nhà đang nở dày đặc hoa vàng cánh mỏng. Dran chỉ là một thị trấn rất nhỏ trung tâm của huyện Đơn Dương cách Đà Lạt khoảng 40km. Dran heo hút, yên bình, trong lành. Đặc biệt ở đây có một con đường hoa dã quỳ mà bạn tôi nhất quyết cho rằng đó là con đường quỳ vàng đẹp nhất ở Lâm Đồng. Cung đường ngập tràn chỉ toàn hoa dã quỳ, ngợp mùi đăng đắng, hăng hắc. Ôi mùi của nắng, gió, sương mai, của Tây Nguyên những con đường đất đỏ.

Đêm ấy trăng, bầu trời trong vắt, ánh trăng sáng bàng bạc trên những đỉnh núi lô nhô trải ngút tầm mắt. Ngồi với bạn cho đến khi trăng tách hẳn bóng rừng đêm thẫm dài, phố núi khi ấy rất khuya, im lặng, cả hai không nói điều gì ngồi tựa lưng nhau, kéo cao áo khoác, bạn nắm tay thầm thì: “ Ngủ thôi, mai bạn đi Pleiku rồi… Mấy ngày nữa trở lại miền Tây đừng quên phố núi này nhen…”. Sớm, bạn tiễn ra xe, dúi vào tay một gói nhỏ: “Hạt dã quỳ đó, biết đâu dưới đó trồng được, biết đâu hoa lại ngờm ngợp nở để bạn nhớ kí ức vừa đau khổ vừa hạnh phúc”, nhìn bạn rưng rưng, xiết chặt tay để thấy cái tình “ấm như lòng bàn tay”.  Xe chạy, những cơn lốc đỏ cuốn lên, trôi đi hiện ra những vạt hoa vàng bất tận không mọc riêng lẻ bao giờ cứ nối dài thành lớp lớp sóng xô. Màu vàng hoang dại ấy đã thắp lên nỗi nhớ Tây Nguyên của không biết bao nhiêu người từng đến, ở lại và ra đi.

Tháng hai Pleiku còn lạnh, vẫn nắng quỳ mênh mang, phố, dốc, sương mù và thông. Bạn mời phở khô ở quán Ngọc Sơn, một trong những quán bán phở khô đầu tiên tại Pleiku, từ những thập niên 60. Phở khô ở Pleiku là một món ăn khá đặc biệt. Bánh phở khô trộn với thịt gà, rau thơm và tương đen kèm theo là một bát nước dùng có rắc chút hành hoa. Bạn lại chở đến café Thu Hà ở 09 Nguyễn Thái Học, một quán café nổi tiếng của thành phố Pleiku. Phin cà phê nóng đặt trên một cái ly nhỏ, trong lòng một cái ly lớn hơn có đổ nước sôi để giữ ấm. Một chút sữa cô đặc ở dưới đáy ly. Từng giọt cà phê lặng lẽ rơi, khiến cho phần sữa đặc dần biến mầu và tan dần. Tôi nhấp từng ngụm nhỏ. Bạn không thuốc lá. Quán không nhạc Trịnh. Tạ ơn Trời Phật. Có nhiều quán cà phê luôn gắn liền cà phê với nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến. Đâu cần thiết phải như thế. Cà phê cao nguyên đậm đà, mãnh liệt như sức sống của cây cỏ và người dân nơi đây, với những Y Moan, Siu Black với nhạc Nguyễn Cường, những bản rock rực lửa và sôi động. Bạn giới thiệu ở Pleiku có phố cà phê ở khu vực Đức An, tôi chỉ cười: “Uống café Thu Hà đã đủ hương vị Pleiku. Mình chỉ muốn dạo trên những con đường đất đỏ với thông và dốc”. Bạn lơ đễnh: “Thông đã bị người ta hạ xuống quá nhiều… Con đường Lê Lợi cách đây hơn 10 năm tôi và bạn cùng đi khác xưa nhiều lắm!”.

Dốc mềm như dáng người con gái và sương bảng lãng quấn quýt, thành phố thấp thoáng những thảm xanh, những con đường đất đỏ đã được trải nhựa. Tôi nhớ Tây Nguyên nhòa trong một màu đỏ, từng cơn gió cuốn bụi đất đỏ xé ngang trời những năm 90. Để khi đến trường tà áo dài trắng muốt của tôi loáng thoáng nhuộm màu con đường. Tôi cố tìm gốc xà nu (thông) cổ thụ, sần sùi trên đường Trần Hưng Đạo (đường Trịnh Minh Thế cũ), bạn thở dài: “Chúng bị đốn cả rồi, ngày ấy thấy dòng nhựa thông cổ thụ ứa ra, tôi còn muốn khóc…”. Đường Trần Hưng Đạo một dạo trơ khấc, chang chang nắng rồi thông trở lại mươn mướt xanh, vươn thẳng như chạm đến mặt trời, ngơ ngác nẩy mầm trên đám vỏ cũ mốc, tiếng chim cất lên trong tán lá giữa phố chơ vơ gạch đá những công trình xây dựng nhưng rồi trên lối tôi đi nham nhở những hàng thông bị triệt hạ. Chiều rông rốc nắng, chợt nghe xót… Thông còn lại lác đác những dáng thông cô độc, trầm tư, Pleiku không còn thông có còn là Pleiku nữa không? Cũng như Đà Lạt… Pleiku, Đà Lạt sẽ mãi mãi là Pleiku, Đà Lạt khi vi vút thông reo bên thung lũng giăng kín sương mù. Tôi mong điều đó biết chừng nào.

Tiễn tôi, bạn bỏ vào ba lô một gói café “trộn”: “ Không thương hiệu café nào ngon hơn loại café trộn này đâu. Mình đã chọn nhiều hương vị café trộn vào đây theo một công thức của dân sành café nhất nhì Pleiku này tặng bạn. Mang về miền Tây để nhớ Tây Nguyên…”. Ừ… xe đã chuyển bánh đâu mà tôi đã nhớ Tây Nguyên cồn cào gan ruột…