Tag Archives: Rừng Ea Súp

Ký Ức Rừng Già

Tiêu chuẩn
Rừng Khộp Ea Sup, Daklak

Rừng Khộp Ea Sup, Đak Lak.Dhung Cafe, Cư Mgar

Ký Ức Rừng Già
06 – 5 – 2011 17:47

Bên bếp lửa nhà dài, đôi mắt ông đượm vẻ buồn với ánh nhìn xa xăm về phía những cánh rừng xanh thẳm. Có điều gì khắc khoải, day dứt, thôi thúc, ám ảnh. Ông nhớ rừng

Những mạch cảm xúc đứt quãng, những câu chuyện gần như cứ vỡ vụn dần trong trí nhớ của cái tuổi đã ngoài tám mươi ; lòng già Y Nun Ê ban ở buôn Ea Súp (Cư M’gar) như có ngọn lửa đang âm ỉ  cháy. Và “Nhớ” như một điệp từ trong từng câu chuyện kể của ông. Ông bảo, ông là người của rừng, bởi sinh ra ở rừng, lớn lên từ sự chở che của rừng và giờ… sắp được về với rừng. “Sắp được về với rừng” – ông nói ra như đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người con khi được trở về với mẹ rừng, trở về với tự nhiên vĩnh cửu. Trong ánh lửa bùng lên khi mặt trời khuất dần sau ngọn núi, những âm thanh nửa như tắc ứ, nửa như muốn vút lên của bài Khan ông kể làm sống dậy miền ký ức hoang dại của đại ngàn, của đời sống văn hóa – lịch sử người Êđê cổ xưa. “Ơ Yàng! Tôi đã leo lên núi nhiều hoa, xuống suối nhiều cá, đi qua những đồi đá cao, cỏ cao ngồng, những đầm lầy lội, nay tôi đã về nhà. Rượu một ché, trâu bảy con tôi cúng thần núi. Rượu hai ché, bò một con tôi cúng thần rừng. Cầu cho đất người Êđê luôn nở hoa, cháu con ta luôn mạnh khỏe… ơ Yàng…”. Giữa không gian tĩnh lặng, chỉ có lời Khan quyện vào ngọn lửa làm nên sự giao hòa giữa người với tự nhiên, và thông điệp gửi đến Yàng là những ước mơ dung dị, khát vọng của những con người hồn hậu, neo vào tự nhiên để sống, để được hồi sinh. Như chàng Đam San, bất tử không chỉ bởi những chiến công, bắt được nhiều nô lệ… mà chính bởi những khát vọng phi thường – chinh phục nữ thần mặt trời. Để rồi sau cuộc cầu hôn thất bại, chàng trở lại quê nhà, bị chết lún giữa rừng của bà Sun Y Rít. Và cũng chính ở nơi đây, chàng được hồi sinh, chàng được bất tử. Đam San cháu ra đời, lại theo tục “nối dây” đi tiếp cuộc hành trình của người cậu, tiếp tục chinh phục, dấn thân vào cuộc chiến đấu mới. Con người luôn mang trong mình khát vọng bất tử, với người Tây Nguyên sự bất tử ấy chính là khát vọng được giao hòa với tự nhiên, tan lẫn vào thiên nhiên, bởi với họ chỉ có tự nhiên mới vĩnh hằng. Khát vọng ấy đã trở thành biểu tượng văn hóa từ ngàn xưa đến mãi ngàn sau. Để trong tiếng Khan của già giữa màn đêm huyễn hoặc có sự day dứt, day dứt đến tột cùng. Phải chăng là vì những ngày tháng “Đi trong thung lũng của sông Krông Nô, sương mù kéo thành một dải khăn trắng… là dốc ngược, lối mòn sâu hoắm những bước chân voi.”; hay “Con sông K’rông Năng im lặng và khí trời trong đến nỗi, tưởng như đứng trên buôn này có thể nhìn thấy một bầy nai xuống uống nước ở ven sông”… chỉ còn khắc khoải trong miền nhớ!

Vua Săn Voi Ama Công

Vua Săn Voi Ama Công. Ảnh Tấn Vịnh

Những mùa “ăn năm uống tháng” dường như cũng chỉ còn lại trong ký ức rừng già. Bởi lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả) bây giờ đã thưa vắng những tiếng hát ayray; không còn cảnh trai gái hò hẹn, nhảy múa cùng với những vạt rìu vung lên ngày này qua ngày khác cho đến khi những bức tượng với sự hình dung về người đã chết được hoàn thành. Nó đã trở thành hồi ức của những người già để mỗi khi nhắc nhớ lại, bên bếp lửa nhà dài, tiếng gọi của đại ngàn xưa vọng lại trên những gương mặt ấy lại phảng phất nỗi buồn của thời đại. Cũng không còn hình ảnh của chàng thanh niên nào đó trong một dịp lễ thiêng của buôn làng, tay cầm rìu phăm phăm đi vào rừng già, chọn một thân gỗ rồi những nhát rìu vung lên và một thứ nghệ thuật ra đời. Thứ nghệ thuật mà Nhà văn Nguyên Ngọc đã khái quát “ Là sự bùng lên của một khát vọng đột ngột đến, vì được kích thích của một dịp thiêng nào đó. Đến, rồi đi, có khi mãi mãi, mãi mãi không bao giờ người nghệ sĩ tài ba bất thần một phút ấy còn sáng tác được nữa.” Đó không chỉ là nỗi day dứt cho sự tồn vong của một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc – một trong những yếu tố cấu thành văn hóa Tây Nguyên, mà còn chạm đến nỗi ám ảnh… mất rừng.

Tôi nhớ đến Georges Condominas, một nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp đến Tây Nguyên từ nửa thập kỷ trước, đã có sự cảm nhận tinh tường khi phác họa đời sống của người dân tộc bản địa nơi đây qua tác phẩm: “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô”. Một xã hội thu nhỏ của cộng đồng người M’Nông Gar ở làng Sar Luk – được cưu mang bởi dòng Sê-rê-pôk và rừng già, hiện ra thô mộc mà tiềm chứa biết bao giá trị văn hóa thâm trầm, sâu xa. Đó chính là một phần của một Tây Nguyên kỳ lạ, thăm thẳm cho những khám phá bất tận… Rừng vừa là không gian vừa là thời gian, người M’Nông đo thời gian chính bằng không gian ấy. Và cuộc đời của mỗi con người được tính bằng “chu kỳ mẹ rừng cho họ máu thịt qua từng mùa rẫy”. Họ đánh dấu một năm trong cuộc đời lâu dài của cộng đồng bằng cách gọi tên khoảnh rừng mà làng đã khai phá để làm ra cái ăn trong năm nông nghiệp, cái năm làng “ăn” khoảnh rừng đó. Họ đi tìm đất làm rẫy bằng cách khoanh rừng để tìm cái ăn nhưng cũng đồng thời không quên bảo vệ rừng lâu dài. Phương pháp này hiệu quả hơn bất cứ phương pháp khoa học nào từng có, bởi với họ, rừng là một chủ thể linh thiêng, là không gian sinh tồn, không một buôn, làng nào tách biệt khỏi rừng, đất rừng. Như những gì mà Nhà văn Nguyên Ngọc đã chạm đến lớp trầm tích văn hóa: “Ở Tây Nguyên, rừng là tất cả, bao trùm, ám ảnh, mê hoặc, nhấn chìm. Con người bị hòa tan trong rừng, là bộ phận nhỏ không thể tách rời với rừng, vừa cố phân biệt mình với rừng: bằng ngọn lửa”. Chính từ không gian thiêng, bao trùm, ám ảnh, mê hoặc, nhấn chìm ấy đã hình thành nên những nghi thức cho một cuộc đốt rẫy và trỉa lúa; một đám cưới; một đám tang với cách làm quan tài trong rừng, đêm khóc người chết, buổi an táng, và cuộc chia của tiếp sau đó… trở thành những giá trị văn hóa đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Nhưng, những giá trị ấy đang dần mai một, bởi sự tàn phá khốc liệt của thời gian, ảnh hưởng của toàn cầu hóa và bởi lẽ căn cơ nhất: rừng – không gian sống, không gian thiêng, không gian làm nên giá trị văn hóa nhân văn của người bản địa ở Tây Nguyên, giờ đang rên xiết.

Lê Hương
Nguồn. Báo Đăk lăk
Post. Linh Nga Niê Kdăm