Category Archives: Uncategorized

Tết 2013, Dhung Café – Những Nụ Cười

Tiêu chuẩn

Tết 2013, Dhung Café & Những Nụ Cười
Quảng Hiệp, Cư Mgar, Đak Lak

Lại một mùa xuân đến sau những tất bật của mùa café bận rộn trên Tây Nguyên. Năm Quý Tỵ, năm con rắn với những khúc quanh và kiên định.

Thêm một mùa Xuân của Dhung Café trên mảnh đất Quảng Hiệp, Cư Mgar. Sứ mệnh của gia đình đường như càng thể hiện rõ khi là nơi gặp gỡ của hàng xóm, bạn bè vào những ngày Xuân, với những ly cafe bắt đầu một ngày mới, cả những ly cafe của bạn bè khi ngồi với nhau, của những ra đi và trở về cùng với Buôn Dhung, Quảng Hiệp.

Bao nhiêu năm, vẫn là những con dốc quanh co, những đến và đi trắc trở, đầy lo toan của vùng đất heo hút này trên Cư Mgar. Định kiến, hạn chế, những cuộc di dân vội vã, ngộ nhận chính trị, đặt mình vào vị trí hẹp… sau 30 năm vẫn còn là tiếc nuối, quay đầu về hướng biển, kế hoạch bứt phá để thoát ly và cả những quay lại tạm thời trong những ngày Tết.

Điều đã ra hoa và kết trái, hoa cafe nở bung sau khi tưới. Xuân cũng là những ngày thong thả bắt đầu cho những ngày mùa bận rộn.
Dhung café cùng với gia đình, trong những ngày Tết qua, tranh thủ là người kết nối bạn bè, hàng xóm, đưa mọi người đến với nhau cùng những ly cafe, lúc ngồi dưới tán cây chuyện trò…

Phía trước vẫn là chặng đưỡng khúc khuỷu, thiết nghĩ, chỉ có tinh thần lạc quan, sự kiên định mới giúp mọi người tìm thấy hạnh phúc, chọn lựa của mình.

Chúc buôn Dhung, bạn bè, anh em, những khách hàng của Dhung Cafe năm con rắn nhiều niềm vui và những mùa bội thu với cafe, điều, tiêu và cả những hoa màu khác.

Dhung Cafe
Quảng Hiệp, Cư Mgar

 

Dhung Cafe 11

Dhung Cafe 12.1

Dhung Cafe 13

Dhung Cafe 14

Dhung Cafe 15

Dhung Cafe 16

Dhung Cafe 17

Dhung Cafe 18

Kids

_MG_9613

Dhung Cafe – Quán Đầu Thung Lũng

Tiêu chuẩn
Dhung Cafe, Quảng Hiệp, Cư Mgar, Đak Lak - Nơi gặp gỡ những người yêu Cao Nguyên

Dhung Cafe, Quảng Hiệp, Cư Mgar, Đak Lak – Nơi gặp gỡ những người yêu Cao Nguyên

D’hung Cafe

D’hung Cafe nằm cuối con dốc thoai thoải nhà ông Nuôi, phía sau là vùng đầm trũng,  Quảng Hiệp, Cưmgar, Đak Lak.  D’hung Cafe tải đúng theo nghĩa của nó – Quán ở Thung Lũng.

Với D’hung cafe, vợ chồng Hùng Dung muốn giữ lại những hình ảnh mộc mạc của buôn D’hung ngày trước và nơi gặp gỡ của mọi người tại Buôn Dhung, Quảng Hiệp. Đó cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, và cũng có thể là do duyên số, tâm niệm chung của gia đình.

Với mong mỏi kết nối mọi người, D’hung café là nơi để hàng xóm gặp nhau, trao đổi nhanh những thông tin trong ngày trước khi đi rẫy, xuống đầm, ra phố. Những buổi trưa nắng, D’hung café lại yên ắng dưới tán si mát rượi, là nơi khách qua đường nghỉ chân trên chặng đường dài. Buổi tối, Dhungcafe lại lung linh ánh điện vàng, cùng với những  bài tình ca bất hủ, bạn bè, người tâm giao lại gần nhau hơn. Và cũng như thế, quán Hùng Dung là nơi tiếp đón những người xưa quay về, những bạn bè từ xa đến thăm.

Một vài điểm nhấn trang trí bật lên tính đất bazan Tây Nguyên  lại đen xen nhẹ nhàng trong hình ảnh đèn lồng vùng biển xứ Quảng như gợi nhớ về biển, về Sơn Trà, nguồn cội. Giàn hoa giấy nở bung những trưa hè, tán si căng gió lích khích tiếng chim, dăm bụi chuối hoa đỏ bên hiên nhà… Trong thinh lặng, với một góc nhỏ, Dhung café là nơi ta ngồi với chính mình và bè bạn.

Với Dhung café, chúng tôi muốn là  một ngôi nhà nhỏ lưu lại, gắn kết những tình cảm của người Quảng Hiệp, những người đã một thời gắn bó với buôn Dhung,buôn Chua ( Cour) và Cư M’gar.
Dhung Cafe, ngôi nhà nhỏ Quảng Hiệp, Cư M’gar


Dhung Cafe
Quảng Hiệp, CưMgar, Đaklak

Những Cơn Mưa Đầu Mùa

Tiêu chuẩn

Mưa Daklak. Chuyen Vo Vo Nha Co & Se. Opera

Những Cơn Mưa Đầu Mùa
Quỳnh My
My Opera

Mưa chiều. Những bóng người hối hả, liêu xiêu trong mưa. Từng hạt mưa tạt thẳng vào người. Đau nhói. Và lạnh buốt. Chiếc áo mưa mỏng tang dường như không đủ sức chống chịu trước sức mạnh của mưa, cứ níu chặt vào người không muốn rời xa. Những bóng người co ro, bé nhỏ lại trong mưa, đơn độc, lầm lũi, đoán chừng mọi đích đến đều là một ngôi nhà nào đó, nhỏ xinh hay rộng rãi, đều chứa đựng trong lòng một sự ấm áp.

Ngày còn ở nhà, tôi sợ lắm những cơn mưa đầu mùa, thường đến bất chợt vào một buổi chiều muộn. Khi đó, ba mẹ tôi chưa về nhà mà đang còn mải loay hoay với làm cỏ, cuốc đất. Mưa đầu mùa ở Tây Nguyên thường hung hãn, dữ tợn như một cơn nóng giận vô cớ của tự nhiên. Mưa, gió, và sấm chớp. Những hạt mưa to ngỡ như mưa đá rầm rập trút xuống, tưởng chừng có thể xuyên thủng mái nhà, như những mũi tên đâm thẳng xuống mặt đất. Gió lướt ràn rạt trên từng ngọn cây, quật nát những tàu lá chuối sau vườn. Nhưng tôi sợ nhất là sấm chớp. Một luồng sáng lóe lên, rực trời, cảm giác như một sợi dây ánh sáng khổng lồ nối thẳng từ bầu trời xuống lòng đất, rồi một tiếng nổ khủng khiếp và đáng sợ. Co ro mấy chị em trong nhà, lo lắng chờ ba mẹ về. Trời mưa to, sấm chớp thế này. Mấy chị em chẳng dám làm gì, cứ ngóng mắt ra đường, dù biết trời mưa thế kia chắc ba mẹ cũng đã tìm chỗ trú rồi. Co ro, co ro chờ mưa tạnh.

Mưa Tây Nguyên lạ lắm, bất chợt đến rồi bất chợt đi. Đang ào ào như thế, bỗng chốc chỉ còn vài hạt lắc rắc rồi ngừng hẳn. Bầu trời đang đen kịt sau một thoáng đã trở nên quang đãng, cao và trong đến lạ. Mọi thứ dường như được khoác lên mình một chiếc áo mới khác hẳn, tinh khiết và căng đầy nhựa sống. Cây cối, dù có đôi chút bị tả tơi nhưng vẫn thấy mạnh mẽ hơn sau một trận thử thách. Những mái ngói sạch bong, bị ngấm nước và chuyển sang màu nâu, ấm áp đến lạ. Dưới đất, những dòng sông nho nhỏ ào ạt chảy, để rồi một chút sau, nước đã thoát đi đâu hết. Không khí trong lành, mát mẻ hơn. Và kia, ba mẹ tôi kia rồi, hiện ra nơi cuối đường trong sự chờ đợi của mấy chị em, vai ba vác cuốc, tay mẹ xách giỏ nước, hình ảnh thân thương đó có lẽ sẽ in dấu mãi trong tôi. Ba mẹ tôi đó, những người mà tôi ngưỡng mộ, giản dị và gần gũi như thế đó. Chị em tôi bắt đầu nhóm bếp, thổi lửa nấu cơm. Căn bếp nhỏ bị mưa tạt phía ngoài, lẹp nhẹp nước nhưng sao ấm áp lạ. Chỉ một lúc, khói bếp đã lan lên, những làn khói lam mỏng nhè nhẹ bay lên, mang theo mùi ngai ngái, nồng nồng của củi ướt tỏa vào không gian. Rồi thì bữa tối đạm bạc cũng xong, chỉ những món ăn bình thường thôi nhưng sao thấy ngon quá chừng. Bây giờ, đôi lúc thèm một trái dưa leo chấm ruốc, một tô canh rau tập tàng nấu tép nhưng nấu lên rồi, ăn chẳng thấy ngon. Không phải dưa mình trồng. Không phải rau mình hái trong vườn. Không phải ngồi chen chúc trong một căn phòng chật chội. Không xì xụp, hít hà. Không phải mình đang ở nhà. Không có ba mẹ, không có mấy đứa nhỏ bên cạnh. Không có cái không khí quen thuộc đó. Một điều gì đó rất mơ hồ nhưng cũng rất rõ, cảm giác mình có thể chạm vào được nhưng lại không nắm bắt được.

Như những cơn mưa.

Có một điều thật lạ, không biết có phải ngẫu nhiên không mà những cơn mưa đầu mùa thường bất chợt đến vào buổi chiều. Có lẽ mưa chiều cho khói bếp thêm cay nồng. Cho mọi vất vả của một ngày lao động tan biến. Cho bữa cơm tối thêm ngon. Cho ngôi nhà thêm ấm áp. Cho yêu thương thêm dâng đầy trong mắt. Đi qua cơn mưa chiều lạnh lẽo và hung hãn, để thấy hết những nồng đượm gia đình. Để biết quý những cơn mưa.

Mưa. Chiều nay Huế đổ mưa. Cũng là một cơn mưa đầu mùa bất chợt. Xối xả. Gió cuốn mịt mù. Nhưng không phải mưa nhà. Không còn co ro chờ đợi. Không có bếp lửa cay mùi khói. Hơn 600 cây số theo những cơn mưa. Sao mà nhớ quá…MƯA ơi!

MƯA CAO NGUYÊN

Tiêu chuẩn
Buôn Cháy, EaMroh, Cư Mgar, Đak Lak

Mùa mưa Cao Nguyên. Dhung Cafe


MƯA CAO NGUYÊN

Huệ Nguyên

Suốt mấy ngày nắng như đổ lửa , chiều nay  bỗng dưng nó  thấy thèm một trận mưa rào đến thế. Nó nhủ thầm: Ước gì có một trận mưa thật to vào lúc này thì hay biết mấy, chắc hẳn sẽ dịu đi cái nắng nóng oi bức của mùa hè đã hành hạ nó suốt mấy ngày qua khiến một kẻ còm nhom như nó mà cũng phải cởi trần thì hết biết. Nó lẩm bẩm trong bụng rồi  cười xòa phủ định, Nó cười cho cái sự ngớ ngẩn của mình. Làm gì có chuyện ấy xảy ra cơ chứ!

Trước mắt nó vẫn là cái nắng hanh hao, vàng như mật tưởng chừng có thể ăn được. Nó nhón tay qua khung cửa nhỏ hứng những giọt nắng  hồn nhiên luồn qua kẽ lá nhảy lon ton trên tay, đôi mắt nó mơ màng nhìn về phía cánh đồng xa xa như muốn kiếm tìm một điều gì đó.

Những cơn nắng đuổi nhau trườn trên luống mạ, chạy nhảy khắp cánh đồng rồi bất chợt náu mình nơi cánh rừng xa xăm. Nó phóng tầm mắt để bao quát hết không gian qua khung cửa chập hẹp. Tâm hồn nó chợt  nhẹ bẫng, loang  ra, tan vào làn gió nhẹ chạy ngang khung cửa còn lấm mùi mạ non. Màu xanh của những cây lúa đương thì con gái cọ rát mảnh hồn đang đói khát một miền cảm xúc. Nó muốn viết, viết một cái gì đó về những gì nó đang trải nghiệm. Nó cố thả hồn chìm vào dòng xúc cảm để đợi những ý thơ bật mầm trong tiềm thức. Nó  như trôi đi cùng tiếng chim ríu rít trong vòm cây trước hiên nhà.

Nó chợt giật mình khi chạm phải luồng gió lạnh thổi từ cánh đồng ào qua khung cửa tràn vào gian phòng. Như một phản xạ tự nhiên, nó đưa tay định khép cánh cửa lại thì bất  chợt nó  tròn  xoe đôi mắt rồi hét toáng lên trước sự ngỡ ngàng: Trời!… Trời! Mưa!…


Mưa!  Tiếng mưa rì rào đuổi theo cơn nắng  từ cánh rừng xa trước mặt  rồi hướng thẳng về phía nó. Nó nhắm nghiền đôi mắt, hít một hơi thật sâu, xòe tay đợi những giọt mưa ngúng nguẩy làm nẫy trên  tay nó. Những giọt mưa tinh nghịch nhảy từ mái hiên rồi vỡ tan trong lòng bàn tay để lại những giọt li ti đọng trên má, trên môi, trên tóc nó cùng cái lạnh len qua cánh tay, thấm dần, lan khắp cơ thể. Những  màn  mưa chạy khắp cánh đồng trải trước mắt nó một màu trắng bạc mờ ảo. Những giọt mưa vẫn rơi đều và tan trên tay nó với  âm thanh tí tách phát ra khiến nó ngỡ như mình đang thưởng thức một bản nhạc không lời do một tay nghệ sĩ điêu luyện thể hiện vậy.

Bất chợt nó nhớ tới bài hát Mưa Cao Nguyên của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam và nghêu ngao cất giọng khàn khàn thả vào làn mưa.

“Mưa, cao su nhựa tràn .
Mưa trái chín nặng cành ,
mưa, cơn mưa ngọt lành.
Em trong cơn mưa tràn đầy,
mưa, lúa cười vẫy tay….

 Xưa, mưa riêng của Giàng.
Nay, mưa riêng của Người.
Mưa, mưa không mua một mùa.
Em trông cơn mưa ngọt ngào
Mưa, tiếng đời xôn xao!
Ngàn tiếng chiêng gọi mưa,
ngàn tiếng rừng gọi gió,
tiếng reo vui bầy ve,
tiếng thở than của đất,
ngàn tiếng ta gọi nhau,
ngàn tiếng đời phơi phới,
tiếng hát ca của mưa,
tiếng kể than của đất.
Kể ngàn năm cơn khát
…cao nguyên”

Vừa hát dứt lời bài hát thì cơn mưa cũng kịp vội tan để lại ánh nắng vàng vọt của hoàng hôn Cao nguyên dần choàng lên khắp lối. Những giọt nước li ti còn sót lại trên tay nó bỗng trở lên lung linh dưới vệt nắng chiều. Mưa Cao nguyên cũng đỏng đảnh và khó hiểu chẳng khác nào cô thiếu nữ đầy cá tính vậy. Chợt đến rồi chợt đi!

Nó thả hồn mình theo vệt nắng chiều lách qua kẽ lá nằm lăn lóc trên bậu cửa. Đôi mắt nó lim dim rồi hít một hơi thật sâu để những giọt không khí trong lành tràn căng lồng ngực. Đôi tay nó luồn qua song cửa giang rộng như muốn ôm tất thảy đất trời cao nguyên vào lòng mình!

Con Đường Bụi Đỏ

Tiêu chuẩn
Rừng Khộp Ea Sup, 2007. Dhung Cafe, Cư M'gar

Đường đất đỏ, Ea Sup,DakLak . Dhung Cafe, Cư M’gar

 

Con Đường Bụi Đỏ
Đỗ Huyền Anh
Báo. Đại Đoàn Kết

Dưới cái nền xanh ngút ngát của bạt ngàn những dãy cà phê, tôi vẫn nhìn thấy con đường đất đỏ mảnh như một sợi chỉ dẫn vào bản. Suốt thời gian đi xa, đã nhiều lần tôi mơ được áp bàn chân mình lên con đường đất đỏ ấy. Đôi chân trần kén đất đã đi qua biết bao miền nhưng chẳng nơi nào trỗi dậy tình cảm thiêng liêng như trên con đường đất đỏ Tây Nguyên.

Tây Nguyên quê tôi hùng vĩ, thơ mộng, hoang sơ nhưng cũng đậm chất trữ tình. Đấy không chỉ là tình cảm riêng của một người con mà bất cứ ai đến với quê tôi đều cảm nhận được điều đó. Với tôi, ấn tượng đã ăn sâu vào trong tiềm thức là con đường bụi đỏ ngất trời. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa màu đỏ của nham thạch núi lửa nghìn năm, màu vàng nâu trong mùa lá rụng, màu xanh ngút ngàn bởi núi rừng thăm thẳm, màu trắng ngọc của hoa cà phê và màu vàng rực của hoa dã quỳ. Vậy nên, chẳng thể tìm được nơi nào có cái màu đỏ đặc trưng quen thuộc ấy.

Tuổi thơ tôi lớn lên gắn liền với con đường đất đỏ, con đường duy nhất nối liền bản của tôi với thế giới bên ngoài. Những bước đi chập chững đầu tiên của tôi cũng là trên con đường ấy. Rồi cũng từ con đường đó những đứa trẻ quê tôi hết thế hệ này đến thế hệ khác đi học, đi làm… Đứa nào ra đi chẳng nhớ nhặt một nắm đất đỏ đem theo mình, như thể mang theo hồn đất quê hương cho vơi nỗi nhớ.

Quê tôi hai mùa mưa, nắng. Con đường đất đỏ mùa mưa biến thành những bãi sình lầy trơn trượt. Cả con đường như bị cày xới nham nhở. Những ngày mưa kéo dài, con đường lại như một chiếc bẫy lớn. Mặc dù đã rất cẩn thận nhưng khi đến trường mặt mũi chúng tôi đứa nào cũng lấm lem. Nếu có xe đạp thì cũng phải dắt đi, ấy vậy mà bùn đất vẫn không tha còn bám chặt lấy vành xe, bắn lên tận áo, tận cổ. Thế mà bọn trẻ trong Bản vẫn nghịch lắm, có khi thích chí còn hò lấy đất ném nhau. Để rồi khi đã nghịch thỏa thuê thì mặt mũi đứa nào cũng phủ kín một màu đỏ.

Mùa hanh khô thì bụi tung ngút trời. Còn nhớ những lần tôi đi học, phải đi bộ một quãng đường xa mới đến được trường, bụi đỏ bám đầy vào quần áo, dày dép. Những mảng bụi còn nhuộm đỏ cả cánh rừng cà phê, hồ tiêu và những trảng hoa dại. Khi ráng chiều xuống cũng là lúc cơn gió lạ kéo qua cuốn tung bụi đỏ như muốn xé toạc một góc trời.

Bản tôi ai cũng có một tình yêu đặc biệt dành cho con đường đất đỏ. Màu đỏ, không chỉ là màu của con đường độc đạo, còn là màu đất quê hương. Con đường tiễn những người con đi xa để rồi lại đón họ trở về. Con đường đem điện, đem nước, đem văn minh về với bản làng. Bụi đỏ ủ mình trong đất cho những mầm cây đâm chồi, cho trắng bản cà phê, cho mầm lúa, mầm sắn nảy lộc.

Hôm nay trở lại quê hương, trong lòng tôi nhen lên cảm xúc khó tả, những hình ảnh tuổi thơ lần lượt hiện về gần gũi, thân thương. Vẫn con đường ngày xưa mà thấy nhớ quá những lúc ngẩn ngơ bước đi trên màu đất đỏ, xung quanh thì xanh bạt ngàn bởi những rừng cây chạy dài tít tắp. Đôi bàn chân áp đất mát lạnh, thấy thư

Những Con Đường Lầm Bụi

Tiêu chuẩn

 

Những Con Đường Lầm Bụi
Chipchina
tamtay.vn

Những con đường mà tôi đã đi qua, lúc nào cũng lầm bụi. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi: có phải mình sinh ra từ chính những con đường chẳng dịu êm như thế? Khi viết những dòng này, tôi đang cồn cào nhớ những cuộn bụi đỏ dâng lên từ phía dưới bánh xe của những người bạn đồng hành, cồn cào nhớ cái cảm giác bánh xe tuồn tuột trôi đi trong vũng sình lầy được tạo ra từ trận mưa đêm trước, bây giờ bụi chỉ còn là bùn và nước đỏ.

Tôi không thích chuyến đi nào có quá đông đoàn người cùng chen nhau trên một con đường quốc lộ, dù nó có rộng rãi bao nhiêu. Tôi không thích phải sẻ chia cảm giác của mình với quá nhiều người. Tôi là đứa ích kỷ. Nhưng cái gì thuộc về mình, bao giờ mình cũng nhớ lâu hơn, cho dù đó chỉ là cảm xúc vụn vặt cóp nhặt từ một khoảnh khắc ngắn ngủi trên đường.

Càng ngày, tôi càng viết ít đi, không phải tôi đã gác ba lô, cất đam mê vào ký ức, mà đơn giản: những chuyến đi không còn nữa cảm xúc nguyên vẹn như thuở xách ba lô ra đường chỉ có một mình mình. Càng lớn tuổi, con người ta càng sợ những cảnh giành giật, chen lấn, dù chỉ là tấm vé tàu khứ hồi lên Đông – Tây Bắc, một mâm ngồi trong quán đặc sản thú rừng hay một chỗ ngủ đủ ấm trong một khách sạn bình dân. Tất cả những thứ tưởng chẳng có gì để bàn này, giờ lại là cuộc chạy đua các các đoàn mỗi khi Tết đến Xuân về, ngày nghỉ dài mà trong năm chả có mấy khi.

Tôi vẫn rạo rực khi thấy các bạn tôi buộc đồ lên xe, vẫy tay chào tôi và réo vào tai những lời rủ rê ở phút cuối cùng. Tôi thấy hụt hẫng vô cùng khi nghe tiếng bô xe mình rền rã chạy về nhà trên phố vắng. Nhưng chính tôi đã chọn mà: tôi chọn những con đường lầm bụi của riêng tôi… Chỉ còn một tuần nữa tôi sẽ được đi về trên những con đường ấy, những con đường Tây Nguyên đất đỏ, mà gió cuốn bụi lẫn đầy trong không khí, đậu trên tóc như một người bạn trong suốt cuộc hành trình.

Ném lên diễn đàn một Topic tuyển bạn đồng hành xuyên Việt không có ngày về, hẳn nhiên, chẳng có ai muốn đi cùng một đứa mà chính mình còn chưa biết mình đi đâu và bằng cái gì?
Điều ấy, chính là tôi đã ném mình vào những cảm xúc cũ. Khi nhắm mắt để nghĩ về những ngày xa nhà của mình, tôi mong muốn trở về mảnh đất có những rừng cao su bạt ngàn, có màu hoa Pơ lang đỏ rực dưới nền trời tháng 3 xanh ngắt, có con thác đổ mình vào đá tiếng nhạc nước nỉ non, và hơn hết là những vạt rừng cháy mê mải trong ánh hoàng hôn màu mận tía…

 

Rừng khộp Tây Nguyên. Langthang. Thanhlab24

Mùa Bơ, Kiều Oanh

Tiêu chuẩn

Image

Mùa bơ
Kiều Oanh
Thanh Niên

 

Quê tôi ở Đà Lạt, nơi cứ vào mùa bơ là từ đầu chợ tới cuối chợ, chỗ nào cũng thấy toàn bơ. Bơ chất cao ngất trong những giỏ cần xé to đùng, bơ nằm la liệt trên sàn đất, bơ vi vu trong những bao tải trên những chiếc xe đi khắp chợ.

Tuổi thơ của tôi gắn với những mùa bơ béo ngậy, thời điểm mà bữa ăn ngày nào cũng có bơ. Mẹ bảo, ăn bơ rất tốt cho sức khỏe. Mẹ chỉ biết chung chung như thế, bởi một phụ nữ tảo tần ít học như mẹ lấy đâu ra các thông tin khoa học mà chứng minh quả bơ tốt như thế nào. Với mẹ, cái tốt thấy rõ nhất là vào mùa bơ, bữa ăn các con được cải thiện đáng kể. Khi thì bơ dằm nhuyễn với đường ăn tráng miệng, khi thì bơ cắt miếng to rắc muối mè ăn với cơm, khi thì bơ trộn xà lách… Nhưng tôi vẫn cứ nhớ mãi món bơ dằm sơ (vẫn còn miếng lợn cợn) chan với nước mắm ngon. Cái béo ngậy của bơ hòa quyện với vị mặn mà và mùi thơm phức của nước nắm, chan lên bát cơm trắng nóng hổi là món ăn tuyệt đỉnh của tôi ngày ấy.

Sau này, quả bơ “lên đời” không còn rẻ mạt như ngày xưa nữa. Bơ tự tin bước vào các tiệm sinh tố hạng sang với món bơ xay sầu riêng thêm chút sữa đặc tuyệt cú mèo. Bơ cắt lát nằm giữa đĩa trái cây tổng hợp cũng là món khoái khẩu của nhiều người. Ở Đà Lạt còn có món kem bơ ngon “bá cháy” với viên kem no tròn trắng nõn nằm trên ly sinh tố bơ xanh béo ngọt.

 Người ta ăn bơ vì mê, vì ghiền, ít ai chú ý đến công dụng tuyệt vời của quả bơ. Các nhà khoa học đã phát hiện bơ có công dụng phòng chống ung thư miệng, ung thư vú, bảo vệ mắt, làm giảm cholesterol, giảm nguy cơ bệnh tim mạch… Nhiều nhà sản xuất còn dùng bơ để làm các loại mỹ phẩm đẹp da, mượt tóc.

 

 

 

Nhớ Mưa Ban Mê

Tiêu chuẩn
Đường về Ban Mê, Dhung Cafe.

Đường về Ban Mê, Dhung Cafe.  Nhớ Mưa Ban Mê

Nhớ Mưa Ban Mê
Chip Tran
Chiptran.com

Nhớ hoa dã quỳ vàng như nắng trên đồi, nhớ mùa cây bắp cây ngô, nhớ đám cờ lau trổ trắng hai bờ của nương rẫy mỗi độ tháng tư tháng năm về. Nhớ cả ngày xưa, chạy nhảy theo từng ô cà phê sẫm màu đất đỏ chiều mưa lồng lộng gió. Gom lại trong một ánh mắt, kí ức của em đong đầy nỗi nhớ Tây Nguyên…

Độ này, những tháng năm còn rong ruổi suốt mấy mùa nương rẫy, chỉ thấy bóng mẹ hiền lặng lẽ cặm cụi áo cơm vất vả. Chỉ thấy bóng em thơ bé bỏng ngồi mơ mấy chiếc kẹo tròn tròn có hình viên bi ngòn ngọt. Chỉ thấy bóng bà tóc đang dần bạc xoá, gỡ từng hạt bắp ngô thơm phức béo mây mẩy khi mái tôn nhà mình đôm đốp vỗ cơn mưa đá, vang dậy âm thanh của núi của rừng…

Nhớ Ban Mê, em nhớ cái thuở đã hết đợi hết chờ. Nhớ đường phố rong rêu những cơn mưa bóng mây nho nhỏ. Mưa róc rách phơn phớt trêu đùa trên tóc. Mưa nghịch ngợm long tong trên mái đầu của đôi bạn không che ô. Mưa, bất ngờ, mưa lặng câm, mưa oà vỡ, và mưa đột ngột hoà trong nắng tươi hồng.
Mưa Ban Mê…

Mấy con đường trải dài lặng lẽ khi mưa về. Mấy dòng người thưa thớt đếm bước. Mưa của phố núi không ồ ạt, dầm dề buồn ngủ như mưa Huế. Mưa sập xuống, như những khoảnh khắc: tỏ tình ồn ào của anh chàng vui tính, rồi bất ngờ cười phá nghịch ngợm mà quay mặt đi lạnh lùng đầy thương nhớ…
Mưa của Ban Mê…

Phụ Nữ Cư Mgar, Đak Lak và Tây Nguyên Cần Nhận Biết Giá Trị Dinh Dưỡng, Khả Năng Chữa Bệnh Của Trái Bơ

Tiêu chuẩn
Salad Bơ Tươi. Nguồn. Figandcherry. Có nhiều cách chế biến quả bơ thành món " khoái khẩu" hàng ngày phù hợp với đời sống Tây Nguyên.

Salad Bơ Tươi. Nguồn. Figandcherry. Có nhiều cách chế biến quả bơ thành món ” khoái khẩu” hàng ngày phù hợp với đời sống Tây Nguyên.

Phụ Nữ Cư Mgar, Đak Lak và Tây Nguyên Cần Nhận Biết Giá Trị Dinh Dưỡng, Khả Năng Chữa Bệnh Của Trái Bơ

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích sức khỏe từ trái bơ.

Việt Nam và Tây Nguyên là nơi có nhiều loại bơ sáp ngon, dễ mua và giá thành không cao so với những trái cây khác. Vào mùa hè – mùa bơ, hàng xóm lại biếu nhau những trái bơ từ vườn, xen canh trong rẫy cà -phê.
Riêng Dhung Cafe, mùa bơ chín, nhiều quá lại sử dụng bơ sáp … cho cá trong hồ ăn dặm !!

Đến lúc các phụ nữ ở khu vực Cư Mgar, Dak Lak, Tây Nguyên và cả Việt Nam nói chung, cần phải biết những giá trị dinh dưỡng của trái bơ và sử dụng thực phẩm này cho gia đình, nhất lá những người có một số bệnh mà trái bơ có thể cải thiện được.

Thay vì biếu nhau, thờ cúng, sử dụng những trái cây độc  hại ( nhiều chất bảo quản, kích thích), giá thành cao từ Trung Quốc như Quýt, Lê, Táo… hãy lựa chọn những trái cây có lợi cho sức khỏe từ vườn, vừa túi tiền của vùng nông thôn như chuối, bưởi, cam, đu đủ, bơ sáp…

Hy vọng thông tin về giá trị dinh dưỡng từ quả bơ cùng với  những cải thiện sức khỏe, cũng như những hỗ trợ tích cực trong việc thụ tinh trong ống nghiệm sẽ thay đổi cách nhìn nhận giá trị, thới quen sử dụng thực phẩm này của chị em phụ nữ tại Cư Mgar.

Bài báo của Phi Yến đăng trên Thanh Niên ngày 10.7.2012 cung cấp cho chúng ta một số thông tin từ trái bơ.

Dhung Cafe sẵn sàng biếu bơ sáp trong vườn cho các khách gần xa đến thăm Quảng Hiệp, Cư Mgar.

Dhung Cafe,
Quảng Hiệp, Cư Mgar

*****

Sinh Tố Bơ. Cooking Paleo. Món sinh tố nhiều dinh dưỡng & thích hợp mùa hè Tây Nguyên.

Sinh Tố Bơ. Cooking Paleo. Món sinh tố nhiều dinh dưỡng & thích hợp mùa hè Tây Nguyên. Sao không dùng trái cây từ vườn?

Bơ Sáp Dak Lak. Nguồn. Dakado, Dak Lak. Trái Bơ Sáp Việt Nam sắp đi khắp thế giới. Tin vui cho người dân Tây Nguyên, Cư Mgar.

Bơ Sáp Dak Lak. Nguồn. Dakado, Dak Lak. Trái Bơ Sáp Việt Nam sắp đi khắp thế giới. Tin vui cho người dân Tây Nguyên, Cư Mgar.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lợi ích từ quả bơ
Phi Yến
Thanh Niên. 10.07.2012

Quả bơ không những là “thần dược” của sắc đẹp, ngăn cản tình trạng lão hóa, đẩy lùi bệnh tật mà còn tăng cường khả năng thụ thai ở những ca thụ tinh qua ống nghiệm.

Ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu giúp khám phá khả năng tiềm ẩn của trái bơ, loại trái cây không những vừa ngon miệng mà còn mang lại ích lợi vô vàn về mặt sức khỏe. Trong một nghiên cứu mới nhất về loại quả này, các chuyên gia Mỹ tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts phát hiện một chế độ ăn kèm bơ và xà lách trộn dầu ô liu có thể tăng gấp 3 khả năng thụ thai thành công ở những phụ nữ đang cố gắng có con thông qua kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Theo tờ Daily Mail, thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn thể, có nhiều trong dầu ô liu, dầu hạt hướng dương và các loại hạt, là bạn thân thiết của bất cứ phụ nữ nào đang ngóng đợi tin vui. Những người hấp thu loại chất béo trên nhiều nhất có tỷ lệ thụ thai cao gấp 3,4 lần thông qua IVF so với nhóm ăn ít nhất. Và thực phẩm tốt nhất cho các bà mẹ tương lai không gì khác ngoài trái bơ, theo trưởng nhóm nghiên cứu là giáo sư Jorge Chavarro.

Ngược lại, người hấp thu nhiều chất béo đã bão hòa, có trong bơ động vật và thịt đỏ, sản sinh ra ít trứng tốt hơn để có thể dùng thụ tinh. Đây cũng là lần đầu tiên các chuyên gia phát hiện công dụng hỗ trợ IVF của trái bơ và dầu ô liu, dạng thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt cho thai phụ tương lai, theo báo cáo tại Tổ chức European Society of Human Reproduction and Embryology ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Trước đó, các chuyên gia cũng phát hiện trái bơ có thể là “thần dược” của sắc đẹp, sau khi nó được phát hiện hỗ trợ cuộc chiến chống lão hóa và đẩy lùi bệnh tật. Kết quả nghiên cứu cho thấy một loạt các tác nhân môi trường, như ô nhiễm, khói thuốc lá và phóng xạ, có thể biến các phân tử ô xy bên trong ti thể thành các gốc tự do. Những phân tử bất ổn này hủy hoại toàn bộ các phân tử bình thường dùng để hình thành tế bào, như lipid, protein và thậm chí ADN, bằng cách biến chúng thành những phân tử gốc tự do. Hiện tượng tàn phá này có liên quan đến tình trạng lão hóa và dẫn đến nhiều dạng bệnh tật, bao gồm chứng tăng huyết áp và tiểu đường.

Nhiều cuộc nghiên cứu về chất chống ô xy hóa trong rau quả và trái cây, như cà rốt và cà chua, không cho kết quả đáng khích lệ như mong đợi. “Vấn đề ở đây là các chất chống ô xy hóa bên trong các loại trái cây đó không xâm nhập được vào ti thể”, theo chuyên gia Christian Cortes-Rojo của Đại học Michoacana de San Nicolas de Hidalgo (Mexico). Do đó, các gốc tự do tiếp tục tiến trình tàn phá ti thể, khiến việc sản xuất năng lượng ngừng lại và tế bào bị đẩy vào tình trạng bị hủy diệt.

Tuy nhiên, chuyên gia Cortes-Rojo đã công bố các kết quả nghiên cứu đầu tiên cho thấy hiệu quả bảo vệ ấn tượng của dầu trái bơ chống các gốc tự do bên trong ti thể. Theo đó, dầu quả bơ tăng cường khả năng hô hấp của ti thể, cho thấy các chất dinh dưỡng dùng để tạo ra năng lượng cho các chức năng của tế bào vẫn hoạt động hiệu quả dù nó đang bị các gốc tự do tấn công.

Một cuộc nghiên cứu khác do bác sĩ Mario Alvizouri-Munoz của Bệnh viện đa khoa Morelia tiến hành, cũng đã cho thấy trái bơ làm giảm nồng độ cholesterol và các chất béo có hại trong máu, loại trừ được nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.

Tiêu chuẩn

dhungcafe

Chia tay mái trường Cư Mgar
Nguyễn Thị Thanh Nhàn lớp 12A3, Trường PTTH Cư Mgar

Niên Khóa 2011 – 2012
Nguồn. Trường PTTH Cư MgarTạm Biệt Nhé

….

Các bạn học sinh thân mến! Tôi chợt mỉm cười khi nhớ lại mình của ba năm trước đây… Ba năm trước… tôi cũng là một đứa học trò lớp mười… cũng bâng khuâng, lưu luyến đến lạ khi thấy những cánh phượng cháy đỏ nơi góc sân… Và tôi cũng thấy lạ lẫm lắm… những giọt nước mắt lăn dài trên má những anh chị 12 buổi ra trường… Khi ấy, tôi nào hiểu hết nghĩa của 2 tiếng “chia tay”… Với tôi, “chia tay” chỉ đơn giản là nghỉ ngơi tạm thời vào vài tháng hè… để rồi tiếp tục quãng đời những năm cấp III với ngôi trường Cưmgar mà tôi đã gắn bó… Tôi lúc ấy…

Xem bài viết gốc 305 từ nữa